1. Yến mạch là gì?

Yến mạch đã được phát hiện cách đây hơn 4000 năm, là một loại lương thực khá phổ biến trên thế giới. Yến mạch chủ yếu được trồng tại các vùng có khí hậu ôn đới như Ba Lan, Nga, Canada, Mỹ, Úc, Đức,… Loại lương thực này được ăn hoặc được dùng như một thực phẩm bổ sung vì có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Do yến mạch nguyên hạt mất nhiều thời gian để nấu chín nên thường người ta sử dụng loại yến mạch đã qua chế biến. Tùy vào mức độ chế biến mà có các loại yến mạch gồm:

  • Yến mạch cắt nhỏ: Là loại yến mạch nguyên hạt được cắt thành 2 – 3 phần;
  • Yến mạch nguyên hạt cán mỏng: Yến mạch nguyên hạt được hấp, sau đó cán dẹp;
  • Cám yến mạch: Là sản phẩm thu được khi xay yến mạch, thường được dùng để rắc lên các loại thức ăn. Cám yến mạch có hàm lượng cao các chất dinh dưỡng;
  • Yến mạch ăn liền: Có thời gian nấu chín rất nhanh nhưng vì đã được chế biến nhiều nên loại yến mạch này thường chứa ít dưỡng chất;
  • Bột yến mạch: Chủ yếu được dùng làm bánh, dưỡng da.
Yến mạch

2. Yến mạch có tác dụng gì?

Yến mạch là loại ngũ cốc có giá trị dinh dưỡng cao, giàu đạm, khoáng chất, chất béo và các chất xơ hòa tan. Ngoài ra, chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất hạ lipid như flavonoid, sterol, saponin,… Việc sử dụng yến mạch mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Tốt cho tim mạch: Yến mạch có hàm lượng cao chất xơ hòa tan, giúp giảm hấp thu cholesterol vào máu. Nhờ đó, loại ngũ cốc này giúp ngăn ngừa các cơn đau tim, tình trạng đột quỵ và các bệnh tim mạch. Không chỉ vậy, beta – glucan có trong yến mạch còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành;
  • Ngăn ngừa tiểu đường: Yến mạch có khả năng cải thiện sự nhạy cảm của cơ thể với insulin – hormone được sản xuất bởi tuyến tụy giúp ổn định đường huyết. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong yến mạch còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ có trong yến mạch giúp làm mềm phân, cho người dùng dễ dàng đi tiêu, tránh táo bón. Vì vậy, với những người đang gặp vấn đề sức khỏe đường ruột thì yến mạch là loại thực phẩm rất hữu ích;
  • Ngăn ngừa ung thư: Yến mạch có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào cơ thể chống lại các gốc tự do, phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả;
  • Hỗ trợ giảm cân: Các chất xơ trong yến mạch cần nhiều thời gian để tiêu hóa. Đồng thời, trong yến mạch có chứa nhiều carbohydrate lành mạnh, giúp người dùng cảm thấy no lâu. Ngoài ra, yến mạch còn kích thích quá trình trao đổi chất của cơ thể, hỗ trợ giảm cân tốt hơn;
  • Ngăn ngừa bệnh thiếu máu: Hemoglobin là thành phần chính của các tế bào hồng cầu. Khi cơ thể thiếu các tế bào hồng cầu sẽ gây bệnh thiếu máu với các biểu hiện như mệt mỏi, da tái, ngứa ran ở chân, thở dốc, sưng tấy lưỡi, chóng mặt,đau đầu,… Yến mạch là thực phẩm có hàm lượng chất sắt cao, rất tốt cho sự hình thành hemoglobin, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu hiệu quả;
  • Cải thiện cơ bắp: Yến mạch là nguồn cung cấp carbohydrate lành mạnh vì có chỉ số đường huyết thấp, giúp thúc đẩy quá trình giảm mỡ và bảo toàn lượng cơ bắp của cơ thể trong thời gian tập luyện. Ngoài ra, sắt có trong yến mạch cũng giúp vận chuyển oxy trong máu tới các cơ, giúp nuôi dưỡng cơ bắp tốt hơn;
cơ bắp
  • Ngăn ngừa tình trạng đau nửa đầu: Những người bị chứng đau nũa đầu mãn tính thường có mức magie thấp hơn so với người không mắc bệnh. Vì vậy, bổ sung magie vào chế độ ăn có thể ngăn ngừa chứng bệnh này. Yến mạch có hàm lượng magie dồi dào nên việc ăn yến mạch thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đau nửa đầu;
  • Tác dụng khác: Cải thiện tâm trạng (yến mạch chống lại chứng trầm cảm, cải thiện tâm trạng); ngăn ngừa gàu (saponin trong yến mạch giúp làm sạch da đầu và loại bỏ gàu, lipid và protein giúp giữ ẩm cho da đầu, ngừa gàu quay trở lại); điều trị các hội chứng tiền mãng kinh (bột yến mạch có chứa vitamin B6 giúp làm giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt); tốt cho da (yến mạch chống khuẩn, ngừa mụn trứng cá và các bệnh nhiễm trùng da, giảm thâm sạm da); giảm nguy cơ hen suyễn ở trẻ em,…

3. Cách sử dụng yến mạch

3.1 Cách chọn mua yến mạch

Nên chọn yến mạch tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Cụ thể:

  • Muốn nấu ăn nhanh chóng: Nên chọn yến mạch ăn liền;
  • Muốn dùng yến mạch để làm đẹp da: Nên dùng bột yến mạch, sau đó hòa với nước hoặc các nguyên liệu làm đẹp khác như mật ong, sữa tươi không đường,… để sử dụng.

Khi không sử dụng nên bảo quản yến mạch trong các hộp kín, để ở nơi khô ráo, tránh hơi ẩm, côn trùng và ánh sáng mặt trời.

3.2 Một số cách chế biến yến mạch

  • Sữa yến mạch: Pha bột yến mạch với nước, thêm sữa tươi hoặc đường nếu muốn. Đây là thức uống bổ dưỡng dành cho người ăn chay hoặc người bị dị ứng với các chế phẩm từ sữa;
Sữa yến mạch
Sữa yến mạch được sử dụng như một thức uống đầy dinh dưỡng

 

  • Bánh yến mạch: Dùng bột yến mạch xay nhuyễn, kết hợp với đường, trứng, sữa tươi,… để làm bánh quy, bánh ngọt,…;
  • Các món ăn: Súp yến mạch, cháo yến mạch nấu với thịt, rau củ,…

3.3 Tác dụng phụ có thể gặp khi ăn yến mạch

Ngũ cốc yến mạch tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì người dùng có thể gặp phải một số rủi ro như:

  • Ăn yến mạch không được nấu chín kỹ dễ bị tắc nghẽn đường ruột, đầy hơi;
  • Ăn quá nhiều yến mạch có thể gây các bệnh đường ruột như hội chứng ruột kích thích bệnh Crohn bệnh loét đại tràng, viêm túi thừa,…;
  • Một số nhà sản xuất có thể thêm gluten vào yến mạch trong quá trình chế biến. Vì vậy, người mắc bệnh celiac (không dung nạp gluten) cần chú ý khi mua yến mạch, chỉ mua loại không chứa gluten;
  • Người bị thiếu máu không nên dùng cám yến mạch vì nó chứa phytates – chất ngăn cơ thể hấp thu chất sắt, canxi và các loại khoáng chất khác.

Yến mạch là loại ngũ cốc có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, người dùng không nên lạm dụng loại lương thực này để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

Author

Write A Comment